Chế tài dành cho người có hành vi bạo lực tình dục

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi bạo lực tình dục bị xử lý bằng các biện pháp chế tài khác nhau theo quy định pháp luật.

Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính

Áp dụng với các chủ thể thực hiện hành vi bạo lực tình dục nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự (theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền). Hình thức xử phạt hành chính chủ yếu là phạt tiền. Cụ thể: Một số Nghị định về xử phạt hành chính của Chính phủ đã quy định chế tài xử phạt đối với những chủ thể có hành vi bạo lực tình dục nhưng chưa đến mức tội phạm hình sự, như: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người có hành vi cưỡng ép thành viên gia đình mà thành viên đó không phải vợ, chồng (Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng/chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình). Pháp luật cũng quy định mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với những người có hành vi xâm phạm than thể người khuyết tật, người học, người bệnh (tại Nghị định số 144/2013/NĐ-CP; Nghị định số 138/2013/NĐ-CP;…). Những hành vi “xâm phạm thân thể” nêu trên được hiểu là bao gồm các hành vi xâm hại, quấy rối tình dục các đối tượng, trong đó có nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật.

Các chế tài hình sự

Các chế tài hình sự được áp dụng đối với những người bị tòa án kết luận là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam (có hiệu lực từ 2017) quy định trên 10 điều về các tội phạm về bạo lực tình dục và có liên quan gồm tội hiếp dâm; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội dâm ô với người dưới 16 tuổi; tội mua bán người; tội chứa mại dâm;…

Các chế tài hình sự đối với các tội phạm về bạo lực tình dục đều nghiêm khắc. Ví dụ: Tội hiếp dâm (Điều 141) chế tài ở khung hình phạt đầu tiên (khung định tội) đối với tội này là từ 02 đến 07 năm và đối với hình phạt ở khung II của tội này là từ 07 – 15 năm, với các tình tiết định khung tăng nặng của khung này như: nhiều người hiếp một người, có tính chất loạn luân, làm nạn nhân có thai,…; hoặc đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), khung hình phạt đầu tiên đối với tội này đã là từ 07 – 15 năm, khung hình phạt cao nhất (khung thứ III) là tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình (với các tình tiết tang nặng như nạn nhân là người dưới 10 tuổi, làm nạn nhân chết hoặc tự sát;…)

Nguồn: trích Tài liệu dự án Tăng cường năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật – Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (acdc).