Giải đáp pháp luật

Ngày 05/05/2019, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-LĐTBXH công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ của lĩnh vực lao động, tiền lương thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05/05/2019.
Theo đó, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã ban hành mới 05 thủ tục hành chính cấp tỉnh về lao động, tiền lương, cụ thể là trong lĩnh vực cho thuê lại lao động:
– Cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
– Gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
– Cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
– Thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
– Rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động
Như vậy, Quyết định 636/QĐ-LĐTBXH đã thể hiện tinh thần mới trong quy định của pháp luật, cụ thể là thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đã thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh (theo Nghị định 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động có hiệu lực từ 05/05/2019) thay vì Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động hết hiệu lực từ 05/05/2019).
Ngày 20/05/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2019/NĐ-CP quy định về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Nghị định số 44/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2019
Theo đó, Nghị định số 44/2019/NĐ-CP quy định về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng như sau:
Từ 01/7/2019, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2019 đối với các đối tượng sau:
 Cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, CAND và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng;
 Cán bộ, xã phường, thị trấn tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP;
 Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người đang hưởng trợ cấp hàng tháng;
 Cán bộ xã phường thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP và Quyết định 111-HĐBT;
 Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định 38/2010/QĐ-TTg;
 CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg;
 Quân nhân, CAND, người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu như đối với quân nhân, CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg;
 Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Như vậy, Nghị định số 44/2019/NĐ-CP đã có những điều chỉnh tương đối đáng kể và thiết thực về mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với 8 nhóm đối tượng riêng biệt và đặc thù nêu trên.
Ngày 21/5/2019, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.
Theo Nghị định số 45/2019/NĐ-CP, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
– Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; thẻ hướng dẫn viên du lịch; quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; quyết định công nhận điểm du lịch; quyết định công nhận khu du lịch; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch;
– Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng;
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau:
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch;
– Buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch;
– Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định.
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Việc ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP là cần thiết để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đồng thời thu hút khách du lịch và đảm bảo phát triển du lịch bền vững.