Hòa giải thương mại – phương thức giải quyết tranh chấp mới, hiệu quả tại Việt Nam

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại (bên thứ 3) làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định

Được “thai nghén” trong khoảng thời gian 05 năm, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2017, quy định các nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại. Đây là văn bản mang tính chính thức đầu tiên điều chỉnh hoạt động hòa giải thương mại, mở ra một kênh giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm.

Khác với trọng tài viên trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, hòa giải viên trong hòa giải thương mại không có quyền xét xử và ra phán quyết cuối cùng mà chỉ có nghĩa vụ giúp các bên tiến hành hòa giải theo một trình tự nhất định, giúp đảm bảo tiến trình hòa giải diễn ra đúng hướng. Hòa giải thương mại có những đặc trưng cơ bản như:

- Hòa giải viên, là cầu nối – trung gian giúp các bên trong tranh chấp thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp đó. Hòa giải viên, tức bên thứ ba có vị trí độc lập, không chia sẻ lợi ích với bất kỳ bên nào trong tranh chấp (giống như trọng tài viên).

- Sự thỏa thuận của các bên trong quá trình hòa giải là do chính các bên quyết định. Các thỏa thuận trong quá trình này không có giá trị bắt buộc cưỡng chế thi hành, phụ thuộc chủ yếu vào sự tự nguyện thi hành của các bên.

Theo thống kê hoạt động giải quyết tranh chấp tại Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC), trong lĩnh vực xây dựng: tổng số vụ hòa giải đã tiếp nhận là 05 vụ, với tổng giá trị tranh chấp là 40,3 triệu USD (tương đương 934,5 tỷ VNĐ). Trong đó, 04/05 vụ các bên đã thống nhất chọn được Hòa giải viên tiến hành hòa giải, 01/05 vụ có sự tham gia hỗ trợ của Luật sư, 01/05 vụ đã hoàn thành (mã 2018), thời gian thực hiện thủ tục hòa giải: 36 ngày; 04 vụ thực hiện hòa giải bằng tiếng Việt và 01 vụ thực hiện hòa giải bằng tiếng Anh.