Những bất cập trong việc đăng ký thủ tục kinh doanh tại Việt Nam

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên cả nước có trung bình khoảng 130.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới mỗi năm. Đây là một con số khá lớn, cho thấy hoạt động đăng ký doanh nghiệp đã và đang đáp ứng được nhu cầu gia nhập thị trường của các nhà đầu tư. Cùng với sự ra đời của Luật doanh nghiệp 2014 đến nay là Luật doanh nghiệp 2020 và Luật đầu tư 2014, các thủ tục thành lập doanh nghiệp mang tính chất “hành chính” đã được cải cách, tinh giảm, góp phần đáng kể cải thiện môi trường đầu tư và phát huy tốt quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty Luật TNHH An Hòa là đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc thực hiện những thủ tục pháp lý liên quan đến doanh nghiệp, được tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp với những vấn đề khác nhau đã và đang gặp phải trong việc đăng ký kinh doanh, nhận thấy hoạt động đăng ký thủ tục kinh doanh tuy đang dần được cải thiện, nhưng vẫn còn những bất cập, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, việc không nhất quán giữa luật doanh nghiệp và hệ thống pháp luật chuyên ngành
Tại Điều 3, Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:“Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó.” Theo đó, Luật doanh nghiệp 2020 chỉ quy định cụ thể về việc đăng ký thành lập cho các chủ thể kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần nhưng không phục vụ đăng ký trong lĩnh vực đặc thù trong luật chuyên ngành bao gồm: (1). Luật các tổ chức tín dụng (2). Luật chứng khoán (3). Luật kinh doanh bảo hiểm (4). Luật dược (5). Luật đấu thầu (6). Luật xây dựng (7). Luật kinh doanh bất động sản (8). Luật vận tải đường bộ (9). Luật vận tải thủy (10). Luật hàng không dân dụng Việt Nam (11). Luật hành nghề y dược (12). Luật báo chí (13). Luật xuất bản (14). Luật giáo dục (15). Luật dạy nghề (16). Luật luật sư (17). Luật công chứng (18). Luật kiểm toán (19). Luật kế toán (20). Một số luật khác.
Ngày 04 tháng 01 năm 2021, Nghị định 01/2021/NĐ-CP ra đời, thay thế cho nghị định 78/2015/NĐ-CP giúp cải thiện đáng kể thủ tục đăng ký kinh doanh, tuy nhiên những doanh nghiệp trong lĩnh vực đặc thù vẫn phải thực hiện đăng ký tại cơ quan chuyển ngành, nơi mà những quy định mang tính “cởi trói” này lại không được áp dụng.

Thứ hai, bất cập trong thời gian thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh
So với trước đây, thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn đáng kể với thời gian trung bình để các tỉnh/thành phố trả kết quả chỉ là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian xét duyệt hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh có thể kéo dài hơn so với quy định. Nguyên do là những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ngày một tăng lên nhưng số lượng chuyên viên phụ trách lại không thay đổi, quy trình mang tính chuyên môn, nghiệp vụ lại chưa được cải thiện, do vậy dù muốn cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều trường hợp phải chờ rất lâu để hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Thứ ba, pháp luật về đăng ký doanh nghiệp vẫn còn bất cập liên quan đến ngành nghề kinh doanh
Một vấn đề khác luôn luôn được các doanh nghiệp đặt ra cho Luật An Hòa đó là: Làm thế nào để ghi đúng mã ngành kinh doanh trong thủ tục đăng ký kinh doanh? Hiện nay, xuất hiện rất nhiều ngành nghề kinh doanh mới, lạ khiến cho doanh nghiệp bị lúng túng trong việc ghi mã ngành nghề, chuyên viên đăng ký kinh doanh gặp khó khăn trong việc rà soát và áp mã. Điều này dẫn đến việc nhiều hồ sơ đăng ký kinh doanh sau khi gửi lên cơ quan có thẩm đều bị “trả về”. Nhiều doanh nghiệp không thể tìm ra mã ngành nào phù hợp với hoạt động kinh doanh hoặc hiểu sai về các mã ngành kinh doanh khiến cho việc khai mã ngành hết sức khó khăn. Lúc đó, một thủ tục tưởng như linh hoạt, đơn giản lại trở nên rắc rối, gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp.

Thứ tư, việc áp dụng công nghệ trực tuyến trong đăng ký doanh nghiệp vẫn còn khó khăn
Theo Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì kể từ ngày 15/04/2013, đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử chính thức triển khai trên phạm vi cả nước. Quy định này nhằm giảm tải nhiều thủ tục rườm rà khi các cá nhân phải trực tiếp đến cơ quan hành chính Nhà nước để thực hiện nhiều thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng công cụ trực tuyến để đăng ký. Nguyên nhân là do doanh nghiệp trực tuyến tương đối phức tạp. Để thao tác hoàn thành bộ hồ sơ đăng ký, nhà đầu tư phải đọc toàn bộ Hướng dẫn quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và phải biết điền đúng ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh, phải nắm rõ luật… Điều này khiến cho các doanh nghiệp bị lúng túng, thao tác sai, dẫn đến kết quả không như mong đợi.

Trên đây là những vấn đề trong hoạt động đăng ký kinh doanh mà rất nhiều doanh nghiệp đã gặp phải. Nhằm tiết kiệm thời gian và tránh việc phát sinh những rủi ro đáng tiếc, hãy liên hệ ngay với Luật An Hòa để được hỗ trợ.